Đôi dòng lưu niệm về chuyến đi Trường Sa năm 2019

Năm nay, GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc, kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật, Đản sanh, thành đạo và nhập Niết bàn tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Dự định ra tham dự và đi Bắc một chuyến. Thế rồi, nghe tin từ văn phòng BTS được giới thiệu đi thăm Trường Sa cùng đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, đến mấy ngày sau thì nhận được giấy mời. Mặc dù nhận giấy mời hơi muộn nhưng cũng đủ thời gian sắp xếp việc chùa và các hành lý cá nhân.

7 giờ sáng ngày 05/05/2019, đã có mặt tại cổng tỉnh ủy. Các Bác, các Cô Chú, Anh Chị cũng lần lượt tập trung đầy đủ, đúng giờ.
Trước khi lên xe, cô Phó bí thư TT Tỉnh ủy làm trưởng Đoàn đã sinh hoạt đoàn, thành lập tổ 1, 2, 3, chia sẽ một số vấn đề liên quan đến chuyến đi …. Bác Bí thư Tỉnh ủy cũng đến tiễn đoàn bằng nụ cười phúc hậu, lời chúc sức khỏe và những cái bắt tay thân thiết với các thành viên. Sau đó, hai chiếc xe 45 chỗ và 30 chỗ chở Đoàn về cảng Cát Lái, quận 2, TP. HCM.

(Đoàn chụp hình lưu niệm với Bác Bí thư Tỉnh ủy trước khi lên xe)

Sau khi đến cảng Cát Lái, đoàn ăn trưa và nghỉ trưa tại nhà khách lữ đoàn 125, 14 giờ, tham dự họp đoàn, nghe thông báo lịch trình chuyến đi và một số vấn đề khác…18 giờ cùng đoàn dùng cơm chiều.

Cảng Cát Lái về đêm thật nhộn nhịp. Từng chiếc xe container chở những thùng hàng hóa nối dài, thay phiên nhau đậu tại chân chiếc cần cẩu cao to, cẩu thùng hàng lên rồi đưa xuống chiềc tàu hàng thật lớn đậu sát mé cầu cảng. Thùng hàng này vừa cẩu lên khỏi xe , chiếc xe liền chạy đi, chiếc xe khác chạy tới đậu vào chỗ cũ, khi những chiếc cẩu gắp thùng hàng lên đưa sang tàu hạ xuống vị trí có khi va chạm giữa thùng hàng và thành tàu, giữa thùng hàng với thùng hàng tạo ra những âm thanh lớn.

Đứng tại cầu cảng, nơi con tàu KN 290 đang đậu sẳn, nhìn về ánh đèn khuya và sông nước thật thơ mộng, đặc biệt, bên dưới cầu cảng khi thủy triều rút cạn lộ lên bờ mặt như một lớp bùn lán óng ánh qua anh đèn khuya đẹp tuyệt! Cảm hứng tức thời thoáng qua:

Bến cảng về đêm đón gió lành
Thủy triều con nước rút đi nhanh
Bùn non một lớp còn trơ lại
Phản ánh đèn khuya đẹp tợ tranh.

(Tối ngày 05/05, cảng Cát Lái về đêm)

Sáng ngày 06/06, dậy đúng giờ báo thức, vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong, tham dự lễ tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ đoàn tàu không số tại đài tưởng niệm. Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm và thành kính. Sau lời tưởng niệm, lần lượt từng nén nhang thơm dâng lên, hòa mình vào dòng người, cũng dâng lên nén hương lòng tưởng nhớ các anh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng thống đất nước.

Một nén hương lòng nhớ các anh

Một thời oanh liệt liệt oanh oanh

Hy sinh để giữ gìn bí mật

Để cả quân dân tiếp đấu tranh

(Thắp hương tưởng niệm đoàn tàu không số)

Dự lễ tưởng niệm xong, nhận thẻ lên tàu và sau đó cùng đoàn lên tàu. Đúng 8 giờ, chiếc tàu số hiệu 290 to lớn và hiện đại hụ 3 tiếng còi dài chào tạm biệt đất liền, rời cảng bắt đầu chuyến hải trình hàng nghìn hải lý để đến thăm và tặng quà, động viên quân và dân đang sống và làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nơi tuyến đầu của tổ quốc.

Chiều xuống, có nhiều thành viên lên boong tàu ngắm hoàng hôn, chụp hình với ráng chiều tuyệt đẹp. Mặc dù chẳng có kiến thức gì nhiều về chụp hình nhưng cũng cố ôm máy lên vui cùng mọi người cũng chụp vài kiểu ảnh hoàng hôn theo chế độ tự động của máy ảnh có sẵn, thấy cũng thích thích. Dùng cơm chiều xong, cũng lên boong tàu ngắm biển đêm. Thỉnh thoảng con tàu đi ngang qua giàn khoang, ánh đèn giàn khoang xa xa chiếu sáng cả một góc trời, nổi bật giữa những ánh đèn nho nhỏ của những tàu đánh cá của ngư dân…

Sáng ngày 07/05, mới 5 giờ đã có nhiều người thức dậy sớm lên boong tàu tập thể dục, ngắm bình minh. Chờ đợi, rồi mặt trời cũng nhô lên, len lỏi qua đám mây mờ buổi sáng sớm, mây ửng lên màu đỏ cam. Đẹp lắm!

(Chụp hình lưu niệm lúc ngắm hoàng hôn với một thành viên đoàn Kon Tum)

Sáng ngày 08/05, 6 giờ, âm thanh báo thức vang lên: “hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức”, cùng mọi người lên boong tàu ngắm bình minh. Một lúc sau, xa xa ẩn trong mờ ảo của biển, đảo dần dần hiện ra và rõ dần. Nhiều người báo nhau và luôn hướng mắt về hướng đảo.  Ồ, mình đã nhìn thấy đảo rồi. Vui mừng quá! Con tàu cất lên 3 tiếng hụ còi lớn như báo hiệu đoàn đã đến. Thế là, sau hai ngày đêm lênh đên trên biển, đoàn công tác số 10 từ các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Kon Tum, Lâm Đồng với 200 đại biểu cũng đã đến điểm đảo đầu tiên, đảo Len Đao.

Đảo Len Đao là đảo chìm nằm trên rạn san hô thuộc địa giới hành chính xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Đảo nằm cách đá Gạc Ma khoảng 7 km về phía đông bắc và cách đảo Sinh Tồn khoảng 13km về phía đông nam.

(Bên vườn hoa Thanh Niên, đảo Len Đao)

Tàu đã dừng lại cách đảo khoảng vài trăm mét. Hai chiếc xuồng cặp bên mạn tàu dần dần hạ xuống mặt biển, tổ quà từ từ chuyển những phần quà xuống xuồng và đưa vào đảo. Xuồng của đảo và xuồng của tàu tiếp đưa đoàn lãnh đạo cũng lên xuồng tiến về đảo, các thành viên lần lượt thứ tự nhận và mặc áo phao lên xuồng vào thăm đảo. Nhiều thành viên mới lần đầu đi nên cũng có một chút khó khăn khi bước qua xuồng từ tàu vì sóng biển cứ làm chiếc xuống lắc và chao đảo, nhưng nhờ sự hổ trợ của các anh bên tổ xuồng nên luôn an toàn tuyệt đối.

Các anh lính trong trang phục hải quân đứng sẵn tại cầu cảng nghiêm trang chào đón đoàn. Đoàn tập trung tại hội trường thăm viếng, động viên và tặng quà cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo. Phía dưới, các anh chị em văn công của đoàn Long An sinh hoạt, ca hát cùng các chiến sĩ hải quân, không khí thật rộn ràng, thật hân hoan. Vòng ra bên ngoài lan cang, bên dưới toàn là nước biển, xung quanh mênh mông, các anh vẫn dành một góc nhỏ để trồng rau xanh, rau mồng tơi, cải xanh… thời tiết khắc nghiệt, nắng, gió và đặc biệt là nước ngọt rất hiếm nhưng những đọt rau xanh vẫn vươn mình tươi tốt và đầy sức sống như các chiến sĩ nơi đảo xa này.

Cũng trong buổi sáng ngày 08/05, tại vùng biển này, tham dự Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến đấu giữ gìn chủ quyền biển đảo năm 1988.  Làn khói hương cuộn theo gió gởi lời cầu nguyện hương linh của các anh thanh thản, nhẹ nhàng nơi miền tịnh cảnh. Cầm trên tay cành hoa cúc trắng từ từ buông ra mà lòng muốn nghẹn lại. Con hạc giấy rời tay bay theo chiều gió gởi theo điều mong ước biển đảo bình yên, nước nhà hưng thịnh, muôn dân an lạc.

(Chụp hình lưu niệm cùng Bác Trưởng Đoàn sau khi làm lễ tưởng niệm xong)

Ba tiếng còi tàu hú lên chào tạm biệt các anh em chiến sĩ, chào tạm biệt đảo Len Đao, Đoàn tiến về thăm đảo Sinh Tồn Đông. Đảo Sinh Tồn Đông là một cồn cát thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lý về phía đông. Đất đai ở đây chủ yếu là cát san hô nên các loài cây rau quả chỉ trồng được trong các ô đất đã được cải tạo. Ở đây trồng được cây bàng vuông, mù u, phi lao, phong ba, rau muống biển,… Có lẽ là đảo nổi nên cơ sở vật chất cũng tương đối tốt hơn, điều kiện sống cũng tương đối tốt hơn.

Sau khi lên đảo, Đoàn cũng đã thăm hỏi, động viên tặng quà cho các chiến sĩ tại đây. Bên ngoài sân, phía sau, các bạn của đoàn văn công Long An cũng tiếp tục sinh hoạt ca múa hát tặng các chiến sĩ những bài ca tình yêu quê hương biển đảo…Chia tay các chiến sĩ, đoàn quay lại tàu dùng cơm chiều, tiếp tục hành trình trong đêm tiến về đảo Tiên nữ.

(Một góc của đảo Sinh Tồn Đông)

(Thắp hương tưởng niệm ngôi mộ của một liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Sinh Tồn Đông)

Sáng ngày 09/05, con tàu chở Đoàn đậu cách đảo Tiên Nữ không xa. Tổ xuồng, tổ quà tiếp tục hoạt động hạ xuồng, đưa quà vào đảo trước, tiếp đến các lãnh đạo đoàn và lần lượt đến các thành viên lên xuồng vào đảo. Đảo Tiên Nữ cách cụm Sinh Tồn 100 km về phía nam. Cũng như đảo Len Đao, đảo Tiên Nữ cũng có hai tòa nhà, cái mới cái cũng được nối nhau bằng chiếc cầu dài, hai bên thành cầu có lan cang bảo vệ. Sau khi tặng quà, thăm hỏi các chiến sĩ xong, nhiều lãnh đạo đoàn, đại biểu cũng cùng tham gia sinh hoạt ca hát giao lưu với các chiến sĩ, tạo niềm vui, động lực cho các anh an tâm vững niềm tin giữ gìn biển đảo.

(Đao Tiên Nữ trong nắng sớm)

(Một góc vườn rau tại đảo Tiên Nữ)

Buổi chiều cùng ngày, tiếp tục theo đoàn đến thăm đảo Núi Le B. Núi Le B là đảo chìm nằm ở phía Nam huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), trải dài theo trục bắc-nam cách đất liền 355 hải lý.

Tuy là đảo chìm nhưng khi lên tham quan thấy các anh vẫn trồng được những luống rau, bên cạnh luống rau có cắm tấm bản “vường rau thanh niên” và có luống hoa xanh tốt nữa. Hỏi ra mới biết, để trồng được như thế phải vận chuyển từ đất liền từng bao đất nhỏ, tận dụng tối đa nước ngọt khi đã sử dụng qua và chăm sóc thật kỷ lưỡng.

(Một góc vườn rau xanh đảo Núi Le B)

Tối ngày 09/05, sau khi dùng cơm chiều, nghỉ ngơi xong, 19 giờ 15 tham dự buổi giao lưu văn nghệ tại boong tàu KN 290. Buổi giao lưu văn nghệ có sự góp mặt của đội văn nghệ xung kích đoàn Long An và các thành viên trong Đoàn đã biểu diễn những bài hát về tình yêu quê hương, biển đảo. Đặc biệt, trong đêm giao lưu văn nghệ này có sự góp mặt giao lưu của vị vừa là bác sĩ vừa là cựu chiến binh từng tham gia nhiều chiến trường. Thật sự rất là xúc động trước những chia sẽ của bác về đời sống, tấm lòng cao cả của người lính cựu chiến binh.

(Các đoàn giao lưu văn nghệ tối ngày 09/05)

7 giờ 30 sáng ngày 10/05, Đoàn tiếp cận đảo Thuyền Chài B. Đảo Thuyền Chài B cách đảo Trường Sa khoảng 87 hải lý về phía Đông Nam và cách đảo An Bang khoảng 20 hải lý về phía Đông Bắc. Đảo chạy theo hướng Đông – Tây Nam. Xung quanh đảo có thềm san hô rộng khoảng 200-350m. Vì thời tiết không thuận lợi, Ngoài lãnh đạo đoàn, các thành viên trong đoàn chỉ được lên đảo 50%, 50% thành viên còn lại phải ở lại tàu.

Sóng sáng nay tương đối lớn, chiếc xuồng máy phải chạy dọc theo bãi lựa chổ tốt nhất để tiến vào cập đảo. Ngồi trên chiếc xuồng sóng cứ nhồi lên nhồi xuống cũng thấy hồi hộp. Thỉnh thoảng có con sóng lớn hất lên mủi xuồng nước văng tung tóe, cũng may có chuẩn bị sẳn túi ni lông đựng cái máy hình không cũng bị ướt hết.

Theo một một số người kể, sở dĩ có tên gọi là Thuyền Chài vì hai đầu của đảo thu nhỏ, nhưng ở giữa lại phình to, nhìn từ xa và từ trên cao nhìn xuống đảo có hình dáng giống một chiếc thuyền đánh cá của ngư dân.

(Một góc vườn rau xanh trên đảo Thuyền Chài B)

Sau khi thăm và tặng quà tại đảo Thuyền Chài B, Đoàn quay lại tàu KN 290 dùng cơm trưa và di chuyển về đảo An Bang.

Đảo An Bang là hòn đảo quanh năm có sóng lớn và là nơi mà tàu thuyền khó cập bến nhất trong số các thực thể địa lý thuộc Trường Sa. Lúc này là 14 giờ, sóng quá lớn, không đảm bảo an toàn cho các thành viên nên lãnh đạo đoàn đã quyết định đoàn không lên đảo. Mỗi đoàn chỉ chọn một thành viên có sức khỏe nhất đại diện đoàn lên thăm đảo và tặng quà. Dùng ống kính máy hình thu gần lại thì thấy chiếc xuồng chở các vị đại diện đoàn phải nhờ lực của sóng biển hất chiếc xuồng lên cộng với lực kéo của nhiều người phía trên bãi cát thì chiếc xuồng mới lên được bãi cát. Rất tiếc, tàu đậu cách đảo chỉ vài trăm mét, mọi người cứ đứng trên boong tàu nhìn qua mà không đến tận nơi được, chỉ thấy được tòa nhà, cây xanh và một ngọn hải đăng cao lớn. Đoàn rời đảo An Bang trong sự tiếc nuối vô cùng. Đúng là không đủ duyên. Thôi thì đành dịp khác vậy!

(Ngắm nhìn đại diện đoàn lên thăm đảo trong sự tiếc nuối)

Sáng ngày 11/05, âm thanh quen thuộc vang lên, “hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức”, lên boong tàu ngắm bình minh như mọi hôm. Hôm nay có vẻ sóng biển êm hơn hôm qua. Ăn sáng xong, tiếp tục theo đoàn nhận áo phao xuống xuồng sang thăm đảo Đá Lát.

Đảo Đá Lát là đảo nằm xa nhất về phía tây, cách đảo Trường Sa khoảng 14 hải lý về phía tây. Đảo có tháp hải đăng cao 42m. Thăm hỏi một chiến sĩ trẻ, được kể lại, đời sống anh em trên đảo Đá Lát được nâng cao hơn nhiều so với trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn là thiếu nước ngọt và rau xanh.

Chia tay đảo Đá Lát, Đoàn ghé thăm đào Trường Sa. Đảo Trường Sa được mệnh danh là thủ đô của quần đào Trường Sa, Đảo có trường tiểu học, có trạm xá, có dân cư sinh sống, có chùa chiền, chư Tăng…. không gian rộng lớn. Đảo Trường Sa có khí hậu tốt, mùa hè mát và mùa đông ấm. Đảo Trường Sa có giếng nước lợ có thể dùng để tắm giặt và tưới cây. Cây cối được trồng ở đây thấy có cây bàng vuông, muống biển, phi lao, phong ba, xương rồng và một số loài cỏ. Ngoài ra còn thấy có trồng thêm chuối, đu đủ, ớt và một số loại rau xanh, rau gia vị.

(Mặt sau chùa Trường Sa lớn nhìn từ cầu cảng vào)

Theo đoàn lên đảo, dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy si tại đảo Trường Sa, cùng đoàn thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ, theo bác Trưởng Đoàn và cô Phó Bí thư TT tỉnh ủy ra bên ngoài thắp hương 3 ngôi mộ liệt sĩ. Viếng chùa Trường Sa Lớn, dâng hương lễ Phật cùng đoàn.

Đại đức Trụ Trì chùa Trường Sa Lớn tiếp đón đoàn rất nhiệt tình và đầy hoan hỷ. Ngài Trưởng Đoàn sau khi dâng hương, đánh 7 tiếng đại hồng chung. Tiếng chuông ngân vang, khói hương quyện tỏa khắp ngôi chánh điện bằng gỗ trang nghiêm, từng người lần lượt dâng hương lễ Phật.

Sau hơn một tuần xa đất liền, xa chùa, xa tam bảo, gặp được chùa, gặp được chư Tăng lòng cảm thấy mừng rỡ, thân quen, ấm áp vô cùng. Thăm hỏi thầy Trụ Trì vài câu rồi thầy cũng bận rộn tiếp khách, viết thư pháp tặng đoàn.

(Phía trước mặt tiền cổng tam quan chùa Trường Sa Lớn)

Trong chuyến đi này, có một cụ ông và một cụ bà của người thân trong đoàn qua đời. Theo một số đề nghị, tại chánh điện đã diễn ra một thời tụng kinh ngắn để hồi hướng công đức kỳ siêu độ cho hương linh 2 cụ và các anh linh chiến sĩ tại nơi này, đồng thời hồi hướng phước báo cầu bình an cho đoàn.

Sự hiện diện của ngôi chùa tại đảo, hình bóng chư Tăng, tiếng chuông chiều ngân vang… cho thấy rõ rằng đạo Phật dù bất cứ nơi đâu, khó khăn thế nào, gian khổ thế nào, hễ có người Việt ở là nơi đó có chùa, có chư Tăng hướng đạo.

Hơn 2000 năm trước, đạo Phật đã có mặt tại Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, đồng cam cộng khổ. Thời nào quốc gia hưng thịnh thì đạo Phật phát triển, quốc gia suy vong, đạo Phật cũng tàn lụi theo. Giai đoạn Việt Nam giành độc lập chủ quyền, thời nhà Đinh có thiền sư Ngô Chân Lưu giúp vua Đinh Tiên Hoàng lập nên nước Đại Cồ Việt, sau đó vua Đinh Tiên Hoàng phong thiền sư với mỹ hiệu là Khuông Việt Đại Sư. Thời nhà Lý, thiền sư Vạn Hạnh đã giúp Lý Công Uẩn lập nên nhà Lý, quốc gia hưng thịnh và tồn tại gần 200 năm. Thời nhà Trần, nổi bật nhất là vua Trần Nhân Tông, người thấm nhuần giáo lý nhà Phât, sau khi đánh tan giặc xâm lược Nguyên Mông, bình định quốc gia, nước nhà yên ổn, ông nhường ngôi lại cho con và lên núi Yên Tử tu hành, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm mà ngày nay được thiền sư Thích Thanh Từ phục hưng và phát triển mạnh khắp cả nước. Thời cận đại, cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, có nhiều tăng sĩ tạm gát lại việc tu hành tham gia kháng chiến như Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Thiện Hào, Hòa thượng Minh Nguyệt… và đã có nhiều vị hi sinh. Đặc biệt, năm 1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, đốt lên ngọn đuốc từ bi, trí tuệ đã làm thức tỉnh lương tri toàn nhân loại.

Qủa thật, rất tự hào, rất hảnh diện khi hình ảnh ngôi chùa với mái cong mềm mại, hình dáng chư Tăng đầu tròn áo vuông trang nghiêm thoát tục, tiếng chuông chùa ngân vang trên đảo vào mỗi chiều tà, có lẽ làm vơi đi những khó khăn gian khổ bởi thời tiết khắc nghiệt, bởi nỗi nhớ quê nhà của quân và dân đang sinh sống trên đảo, tin tưởng rằng, sự gia hộ độ trì của thần lực tam bảo che chở cho bà con, cho những chiến sĩ nơi đây được bình an, khỏe mạnh.

(Chụp hình lưu niệm bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Lớn)

Tối ngày 11/05, đoàn có buổi giao lưu văn nghệ hát hết mình, vui hết mình với các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn. 10 giờ đêm, đoàn lên tàu rời đảo, tiếp tục cuộc hành trình thăm nhà giàn DK1.

Sáng ngày 12/05, con tàu KN 290 đã neo đậu cách nhà giàn DK1 không xa, trước khi lên thăm nhà giàn và các chiến sĩ, đoàn có buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía nam. Mặc dù trời cũng đã trưa, nắng đã gắt nhưng buổi lễ vẫn diễn ra trang nghiêm và thành kính. Khói hương phảng phất, vòng hoa, hạt giấy được thả về biển sâu, tưởng nhớ các anh linh chiến sĩ trải qua bao thế hệ đã ngã xuống vì quê hương biển đảo, vì chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Lên được nhà giàn không hề đơn giản nếu như thời tiết xấu, sóng lớn. Lãnh đạo đoàn và các thành viên được chuyển qua một con tàu khác nhỏ hơn để tiếp cận nhà giàn, vì tàu KN 290 quá lớn không cập sát nhà giàn được. Nhà giàn DK1 có độ cao khá cao nên có một vài vị không lên thăm nhà giàn được, đành phải ở lại tàu ngắm nhìn về phía nhà giàn. Nghe nói, có đoàn đến thăm gặp lúc biển động, chỉ có lãnh đạo đoàn mới lên thăm nhà giàn bằng cách cho cần cầu cẩu lên mới lên được nhà giàn.

(Một thành viên rất sợ khi bước xuống mạn tàu thể hiện rõ trên khuôn mặt)

(Một thành viên khác cũng rất khó khăn bước qua mạn tàu dù bên cạnh có nhiều chiến sĩ trợ giúp)

Nhà giàn DK1 viết tắt từ dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật nằm cách đất liền khoảng 250-350 hải lý.  Nhà giàn DK1 được xây dựng kiến cố với bốn chân cắm sâu trong lòng đại dương, chốt giữ vững vàng, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của tổ quốc.

Tiếp xúc với các anh, được biết các anh bám trụ nơi này rất nhiều tháng trời, có khi đến đến 12 tháng mới vào đất liền. Đời sống trên nhà giàn giữa biển trời mênh mông với thời gian dài gặp nhiều khó khăn, vất vả, phải đối diện với thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và biển đảo, các anh đã vượt qua mọi trở ngại, sống lạc quan, yêu đời thể hiện lên nét mặt rạm nắng luôn tươi cười hiền hòa. Trên nhà giàn, các anh vẫn trồng được các loại rau xanh, tích trử nước mưa để sử dụng từ từ. Nhà giàn đứng vững giữa biển trời mênh mông, phải tiết kiệm tối đa về mọi thứ. Cố gắng leo lên tầng trên cùng của nhà giàn mấy chục mét nhìn xuống như vực thẳm mênh mông sâu hun hút muốn chóng cả mặt. Đứng dưới trụ cờ bên trên có lá cờ tổ quốc tung bay chụp được tấm hình lưu niệm cũng là niềm tự hào to lớn về chủ quyền biển đảo.

Nhà giàn DK1 là điểm thăm và tằng quà cuối cùng của chuyến công tác số 10 do Tỉnh ủy tỉnh Bả Rịa – Vũng Tàu tổ chức. Đoàn tạm biệt nhà giàn DK1, tạm biệt các chiến sĩ đang ngày đêm gìn giữ bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Xúc động nhất là hình ảnh chia tay khi đoàn rời điểm đảo. Các anh đứng nghiêm trang chào tiễn đoàn. Sau 3 tiếng hụ còi dài, con tàu KN 290 rời đi. Hình ảnh các anh trong quân phục người lính hải quân với chiếc áo trắng cứ xa dần xa dần, nhỏ dần nhỏ dần và mất hút trong sự thương cảm, quý mến vô cùng. Các anh, với trách nhiệm thiêng liêng với tổ quốc, với tình yêu quê hương biển đảo, vì chủ quyền quốc gia, các anh đã hy sinh một phần tuổi thanh xuân của mình để bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió với biết bao gian nan khổ cực. Thật đáng khâm phục và tôn vinh các anh!

(Các chiến sĩ nhà giàn DK1 ra chao tạm biệt Đoàn)

Tham gia chuyến đi lần này, với tâm niệm đến với đảo, đến với các anh thăm viếng và cầu nguyện Tam bảo, cầu nguyện hồn thiêng sông núi gia hộ độ trì biển êm sóng lặng, mưa thuận gió hòa, các anh luôn được nhiều sức khỏe, bình an để giữ gìn non sông nước Việt lúc nào cũng trọn vẹn lãnh thổ!

Sau khi thăm và tặng quà nhà giàn DK1, đoàn trở lại tàu KN 290 thẳng tiến về đất liền.

(Trên đường về đất liền, con tàu KN 290 đi ngang qua một số giàn khoang)

17 giờ chiều 13/05, con tàu KN 290 đã neo tại Bãi Trước, TP. Vũng Tàu, sau 9 ngày trên hải trình thăm, làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/15. Ra đón đoàn và tặng hoa chúc mừng chuyến đi thành công tốt đẹp, thấy có Bác Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và một số vị  lãnh đạo tỉnh, đại diện một số sở, ban, ngành, đồng thời sau đó cùng giao lưu tại boong tàu KN 290 với Bác Trưởng đoàn cùng 200 thành viên trong đoàn thật thân mật, nghĩa tình.

Đêm, từ boong tàu nhìn vào thành phố biển Vũng Tàu, đèn hoa sáng rực thật thơ mộng và đẹp biết bao.

Sáng ngày 14/05, con tàu KN 290 cập cảng, đoàn chia tay mỗi người một hướng. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai lênh đênh trên biển, con tàu cứ chạy hoài mà chẳng thấy điểm đến, cứ tưởng ngày dài lắm, lâu lắm. Thế rồi, 10 ngày thật ngắn ngủi đã qua, mới gặp nhau còn bở ngỡ, dần dần rồi cũng quen biết nhau, có người vừa mới biết được tên, có người chưa biết được tên đã vội chia tay nhau. Quyển sổ tay đoàn phát cho mỗi người trở thành những quyển lưu bút bất đắc dĩ chuyền tay nhau viết vội vài dòng địa chỉ thật dễ thương làm sao. Còn nhớ đêm ngày 07/05, đoàn chia mỗi phòng phải thắt đủ số lượng hạt giấy để thả vào lễ tưởng niệm sáng hôm sau. Phòng toàn các bác, các chú anh em phụ nam không thấy ai làm nên cầm xấp giấy đem sang nhờ các chị thắt dùm, nhờ vậy mà học được cách thắc con hạt giấy.

Chuyến đi 10 ngày thật ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng mỗi thành viên những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng sâu sắc từ việc tai nghe mắt thấy, chứng kiến đời sống của các anh em chiến sĩ muôn vàn khó khăn ngày đêm đang bám trụ nơi các điểm đảo, nhà giàn bảo vệ ngư dân, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Được tham gia chuyến đi là điều rất may mắn, như Bác Bí thư đã nói lúc tiễn đoàn, chúng ta có thể đi Mỹ, đi Châu âu… có thể đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng đi Trường Sa là cơ hội rất hiếm có. Xin gởi lời tri ân đến VP BTS GHPGVN tỉnh BR-VT đã giới thiệu tham gia chuyến đi này, xin cảm ơn Ban tổ chức đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ sinh hoạt, ngủ nghĩ, ăn uống thật chu đáo…. đặc biệt là các bạn phụ trách ẩm thực, đã có những món chay thật ngon và đầy đủ dưỡng chất . Cảm ơn sự quan tâm, chia sẽ của các Bác, các cô chú anh chị em đã thăm hỏ mỗi sáng thức dậy, ăn chay có ngon không, ngủ có được không, cảm thấy rất thân thiện, rất gần gủi mặc dù các bác các cô chú là những nhà lãnh đạo cao cấp. Cảm ơn các nhiếp ảnh gia đã tạo nên những tác phẩm ảnh đẹp tuyệt vời với nhiều chủ đề về một tăng sĩ. Xin tri ân tất cả mọi người! Cầu tam bảo gia hộ cho các Bác, các Cô Chú, các Anh Chị Em luôn được nhiều sức khỏe, hạnh phúc và cống hiến nhiều hơn nữa góp phần làm cho nước nhà ngày càng phồn vinh, thịnh vượng!

Một số hình ảnh các nhiếp ảnh gia trong đoàn chụp gởi tặng:

   

Thắp hương tưởng niệm các Liệt sỹ đoàn tàu không số